• Kênh bán hàng:
Bữa Cơm Gia Đình Và Thức Uống Của Người Việt
21/12/2024

Đi khắp dải đất hình chữ S, đâu đâu chúng ta cũng thấy dấu ấn của những phong vị ẩm thực đặc biệt, mang đậm nét những giá trị văn hóa vùng miền, đặc biệt trong bữa cơm gia đình và đồ uống của người Việt.

1. Nét Đẹp Văn Hóa Từ Bữa Cơm Truyền Thống

Người Việt không chỉ coi cách ăn là chuyện ẩm thực mà còn là cách sống, cách học, như ông bà xưa đã dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trong bữa ăn, người Việt luôn trọng không khí ấm cúng và thoải mái, nhưng cũng đề cao lễ nghĩa và phép tắc. Bởi thế, những nguyên tắc ứng xử trong bữa ăn cần được thực hiện một cách tinh tế và cẩn trọng, phép tắc và qui củ, như câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. 

Dẫu thời gian trôi qua, phong cách sống thay đổi, và căn bếp dần hiện đại, nhưng mâm cơm Việt luôn là hình tròn. Trong tín ngưỡng dân gian, hình tròn tượng trưng cho sự vẹn toàn, giống như mặt trăng, mặt trời hay bánh dày – những hình ảnh đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Hai tiếng "sum vầy" hay "quây quần" trở nên thiêng liêng với người Việt và chỉ khi bên mâm cơm hình tròn mới cảm nhận hết được tinh thần ấy.

Hình tròn không có điểm đầu, cũng chẳng có điểm kết,  như dòng chảy bất tận của giá trị truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bên mâm cơm ấy, không có ai bị bỏ lại trong những cuộc trò chuyện, tất cả cùng nhau chia sẻ câu chuyện, tiếng cười và tình cảm gia đình. Mâm cơm nhỏ nhưng đủ để đựng vài chiếc chén đĩa, đủ để lắng nghe nhau, đủ để những cánh tay vươn ra gắp cho nhau miếng ngon không bị chới với, đủ để những câu chuyện bên mâm cơm không cần lớn tiếng, gắt gỏng hay khó chịu. 

Mâm cơm hè tròn giản dị, nơi gia đình quây quần bên nhau mỗi ngày (Nguồn: Sưu tầm)

Thói quen bày biện mọi món ăn trên mâm tròn, cùng mang ra một lúc thay vì phục vụ từng món như phương Tây, thể hiện sự đề huề và no đủ. Bên mâm cơm Việt, sự gắn bó và sẻ chia không chỉ nằm ở món ăn mà còn trong từng khoảnh khắc quây quần.

2. Thực Phẩm Phủ Đạo Trong Bữa Cơm Truyền Thống Của Người Việt

Như nhà văn dân tộc Nguyễn Văn Huyên đã viết: “Người Việt từ lâu sống bằng nghề nông và đánh cá, vì thế cơ sở thức ăn của họ là gạo, rau và cá. Có nhiều loại gạo, nhưng thông thường, gạo được chia thành hai loại chính. Một loại là gạo tẻ, thuộc nhiều giống. Gạo đó được nấu làm thực phẩm thông thường, đấy là cơm của người Việt. Loại thứ hai là các giống gạo nếp, đồ bằng hơi nước để làm xôi và oản là các đồ cúng chính trong các buổi tế lễ. Ngày xưa khi còn nghèo khó, người ta thêm vào suất ăn những thứ như ngô, khoai, để ăn riêng hay trộn vào cơm.

Nồi cơm độn sắn thời bao cấp (Nguồn: Sưu tầm)

Mặt khác, còn có một số rau được trồng trong những khu vườn nhỏ xíu vùng nông thôn, ở những ruộng cao không đủ nước để cấy vụ thứ hai, và trong các thửa đất quanh các đô thị. Những thứ rau này thường được luộc và xào không thịt, các gia đình sung túc, người ta thêm vào đấy một chút thịt hoặc cá. Với địa hình có mạng lưới sông ngòi dày đặc, hải sản là nguồn lương thực vô cùng phong phú. Không chỉ dùng để chế biến các món ăn thông thường mà chúng còn được dùng làm nước mắm, thứ gia vị phổ biến nhất trong nước.

Người Việt Nam ăn rất ít thịt và rất hiếm khi ăn thịt. Gà, vịt hoặc lợn chỉ được giết thịt vào những ngày lễ Tết. Trâu bò chỉ mổ trong các dịp long trọng, vì chúng là những con vật phụ trợ cực kỳ quý giá trong canh tác đất đai. 

3. Thói Quen Sử Dụng Thức Uống Truyền Thống Của Người Việt

Trong các đồ uống, người Việt Nam xưa chủ yếu dùng nước mát, nhất là nước mưa rất được ưa thích, được chứa trong chum lớn để lâu năm. Thay vì rượu bia – vốn được xem là thức uống của những dịp lễ hội hoặc các sự kiện đặc biệt – người Việt thường lựa chọn những thức uống thanh đạm và có lợi cho sức khỏe như: lá vối, thứ chè thông thường của nông dân; chè tươi hay chè xanh; chè mạn, thứ chè sấy khô, đưa từ vùng núi về; chè tàu hay chè Trung Quốc, chè hột nụ... 

Trà - thức uống quen thuộc của người dân Việt Nam 

Truyền thống uống trà sau bữa ăn này không chỉ là thói quen mà còn gắn liền với triết lý sống khỏe mạnh và hài hòa với tự nhiên. Trong nhiều gia đình, bữa cơm kết thúc bằng một chén trà nóng, đủ để làm ấm lòng cả những ngày đông lạnh giá hay giúp xoa dịu những căng thẳng trong cuộc sống thường nhật.

Thói quen uống trà không chỉ phổ biến trong văn hóa Việt mà còn được các nền văn hóa Á Đông. Trong y học cổ truyền Việt Nam, trà được xem là một yếu tố quan trọng giúp cân bằng năng lượng trong cơ thể suốt cả ngày. Trong nhịp sống hiện đại, giá trị của những truyền thống này càng trở nên quý giá. Tinh Túy Việt – đã kế thừa và phát triển các tinh hoa ấy, mang đến những sản phẩm vừa mang đậm hương vị truyền thống vừa ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng. Các dòng sản phẩm như Trà Đinh Lăng, Trà Đông Trùng Hạ Thảo, hay Trà Khúng Khéng không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng trà mà còn hỗ trợ sức khỏe cho người dùng vào từng thời điểm trong ngày.

Tinh Tuý Việt - Giải pháp quà tặng từ tinh hoa thảo dược Việt

Những bữa cơm gia đình và thức uống truyền thống không chỉ phản ánh sự phong phú trong ẩm thực Việt mà còn là sợi dây kết nối giữa các thế hệ, giữa con người với văn hóa và tự nhiên. Qua từng món ăn, từng chén trà, người Việt gửi gắm những giá trị sâu sắc về sự đoàn viên, sẻ chia và lối sống giản dị mà tinh tế. Dẫu thời gian trôi qua, những giá trị ấy vẫn trường tồn, như mâm cơm tròn mãi không có điểm dừng, như dòng chảy của truyền thống tiếp nối từ đời này qua đời khác. Và chính trong sự giản đơn ấy, người Việt tìm thấy vẻ đẹp vĩnh cửu của sự ấm áp và gắn bó.